CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN I MÙA VỌNG
TIN MỪNG: Lc 10,21-24
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Is 11,1-10
Từ gốc giêsê (Cha Vua David) sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa.
Đây là hình ảnh cổ truyền trong dân Israel: để nói về niềm hạnh phúc, người ta dùng hình ảnh một cây trổ bông… để nói tới nỗi bất hạnh, người ta dùng hình ảnh một cây bị bật gốc… từ gốc cây hầu như đã chết nảy mọc lên một chồi mảnh mai yếu ớt.
Đấng Thiên Sai tương lai, như số còn lại của Israel đã thoát cơn thử thách. Tôi có tin vào quyền năng Thiên Chúa, có thể làm vọt lên sự sống từ những cảnh huống bi thảm nhất không? Niềm cậy trông của tôi thế nào?
Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh,thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.
Đấng Thiên Sai phải đến được loan báo như: “được tràn đầy Thánh Thần”. Thiên Chúa đến “đậu” trên người này. Một ngày kia tại hội đường Nazareth, Chúa Giêsu đã lấy lời tiên báo này áp dụng vào mình (Lc 4,18) “thánh thần chúa ngự trên tôi”…
“khôn ngoan”, “thông suốt”, “sức mạnh” “hiểu biết Thiên Chúa”…
Tôi mường tượng và chiêm ngắm những đặc tính này nơi Chúa Giêsu.
Và chúng ta…phải nối dài Đức Kitô, chúng ta có thành thần đó trong mình không? Hôm nay tôi phải làm gì để thánh thần dẫn dắt tôi?
Người không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe. Nhưng người sẽ lấy đức công bình mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở.
Chúng ta lại khác, chúng ta dễ để cho mình bị ám ảnh bởi “những dáng vẻ bên ngoài”. Đấng Thiên Sai sẽ xét xử trong công bình theo chiều sâu tâm hồn con người.
Những kẻ nghèo hèn bé mọn được người mến chuộng.
Còn tôi, tôi có giúp đỡ bênh vực kẻ nghèo không?
Những hình ảnh biểu trưng: các dã thú “sống chung” với gia súc… sói ở với chiên… trẻ con thọc tay vào hang rắn độc…
Trong lời tiên báo này Isaia loan báo việc địa đàng nguyên thủy trở lại vào “thời sau cùng”. Ađam sống an lành giữa các loài vật. Vậy, điều được hứa cho chúng ta là “một cuộc tạo dựng mới”, không còn những sức mạnh thù nghịch với con người…không còn phải sợ hãi,… bản năng gây hấn bị chế ngự… các sinh vật chung sống với nhau.
Kinh Thánh thường nói tới sự an bình. Đấng Thiên Sai là “Hoàng tử bình an”. Đây là ước vọng chung của nhân loại. Tôi phải làm gì trong chiều hướng này?
Các thú dữ không làm hại ai… khắp núi thánh của ta… bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đầy đại dương.
Ôi nhân loại cần đến Lời Chúa và giấc mơ này biết bao, một nhân loại không làm điều dữ nữa, không khinh ghét nhau nữa!
Nguồn của “sự bình an thiên sai” này là “sự nhận biết Thiên Chúa”. “sự bình an với nhau” của họ sẽ đến từ chỗ họ đều hướng về một Thiên Chúa, Đấng tác thành sự hiệp nhất, đấng là Cha và nguồn của tình yêu huynh đệ.
Thật sự Giáo-hội có thể là cơ may của nhân loại. Chẳng phải là không quan trọng, khi người người thuộc mọi dân tộc đều được nuôi bằng cùng một Lời Chúa, thông chia cùng một lý tưởng và trở nên cùng một Thân Thể.
Lạy Chúa! Con cầu khẩn Chúa, cho lời tiên tri được thực hiện, cho con góp phần thực hiện lời tiên tri này, cho gia phần thuộc về con.
Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết muôn đời.
Nói chung ta dự tiệc vui, Thiên Chúa cử hành lễ chiến thắng: cuộc chiến thắng “sự chết”. Kẻ thù cái chết ám ảnh nhân loại, sự thất bại, phi lý lớn lao, biểu trưng của sự dòn mỏng và đau khổ. Người ta thường đưa ra vấn nạn với Chúa: nếu Chúa hiện hữu, tại sao lại có sự dữ này? Phải nghe chất vấn. Phải nghe chất vấn. Phải nghe Chúa giải đáp, phải đợi thời gian để Người trả lời cho chúng ta.
“Thiên Chúa sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân”.
Lời hứa của Người như thế đó, lời danh dự:
“Thiên Chúa tiêu diệt sự chết muôn đời”.
Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô là như thế đó. Khởi đầu trong Chúa Giêsu Kitô và được cử hành trong mọi thánh lễ.
Đối với tôi, thánh lễ có phải là một bữa tiệc chiến thắng trên sự chết không? Lạy Chúa Giêsu chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại.
Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt… vì Người đã phán: hình ảnh tuyệt vời! Thiên Chúa… sẽ lau sạch… nước mắt… trên mọi khuôn mặt!
Bài đọc II: Lc 10,21-24
“Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần”. Người nói…
việc đó diễn ra trước mắt các môn đệ, là những kẻ mới trở về sau một sứ vụ tông đồ và vừa báo cáo cho Chúa công việc mà các ông vừa mới làm. Tôi cố tưởng tượng ra Chúa Giêsu “đầy hoan lạc”… Chúa Giêsu sung sướng, hơn họ.
Điều đó tỏ lộ trên khuôn mặt, cử điệu và giọng nói của Người. Điều đó xuất phát từ bên trong, sâu sắc… Điều đó đến từ Chúa Thánh Thần đang cư ngụ trong Người. Đó là thần khí được ban cho ta, mà Chúa Giêsu đã hiến tặng.
Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha.
Có lẽ nên dịch là “Lạy Cha, con cầu phúc cho Cha…”.
Quả thực, Chúa Giêsu đã dùng một kiểu nói “chúc phúc” quen thuộc với người Do Thái. Trong một ngày sống, gặp bất cứ việc gì, những người Do Thái đạo đức được mời gọi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa: “chúc tụng Chúa vì… chúc tụng Chúa vì…”. Do đó, ở đây, ta cũng nhận ra một kiểu nguyện mà Chúa Giêsu thường thực hành.
Người nói với Cha Người, tạ ơn Cha. Đó là tình cảm chủ yếu trong tâm hồn Người. Lạy Chúa, xin cho con biết tạ ơn, luôn vui mừng nói lên: “tạ ơn Chúa vì… cũng xin tạ ơn vì…”.
Mỗi ngày, hãy thu góp lại những niềm vui ta đã nhận được, để tạ ơn.
Vì đã giấu không cho những Người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.
Tạ ơn cách cầu nguyện của Chúa Giêsu, phát sinh từ việc chiêm niệm công việc mà Chúa Cha đang làm trong tâm hồn con người.
Các tông đồ đã giảng dạy, đã hết sức làm việc: đó là vẻ bên ngoài, là bề mặt thấy được của sự việc.
Còn Chúa Giêsu nhìn thấy công việc của Chúa Cha ở bên trong: “Cha đã giấu… Cha đã tỏ…”.
Thiên Chúa hành động trong tâm hồn mọi người, cả những anh em ngoại giáo.
Tôi tập chiêm ngăm công việc của Thiên Chúa: khám phá điều mà hiện Người đang làm… để sống cho phù hợp, để tạo điều kiện thuận lợi và cộng tác với công việc đó.
Mỗi lần một người tiến lên, làm lành, đáp lại một tiếng gọi của lương tâm… chúng ta có thể nghĩ rằng, Thiên Chúa đang ở đó. Giúp đỡ người có tiến “bước” về phía trước, đó là cùng làm việc với Chúa, là liên kết với Người.
Những người thông thái, khôn ngoan… những kẻ đơn sơ…
Ở đây, có một sự đối nghịch rõ ràng. Chúa Giêsu ủng hộ những người thấp bé, nghèo khổ, ít học… dù bị những iến sĩ luật coi thường.
Hiểu biết Thiên Chúa không nhất thiết thuộc lãnh vực trí tuệ, dành cho một loại ưu tuyển: những người “thấp bé” có thể khám phá những sự việc về Thiên Chúa, mà những người “thông giỏi” không thể đạt thấu được.
Như Chúa Giêsu, tôi có luôn nghĩ rằng những người đơn sơ là những người được Thiên Chúa quan tâm cách đặc biệt không? Có những người trong họ đang chờ đợi Tin Mừng. Tôi có biết bày tỏ cho họ không?
Không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!
Đó là mầu nhiệm sự sống Kitô được hé mở: sự sống của kẻ được Thanh Tẩy, là việc mở rộng tới mọi người chính sự sống thân mật, yêu thương và hiểu biết lẫn nhau, đang sinh động trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự.
Lời xác quyết đó nêu bậc mối tương quan rõ ràng giữa hai Ngôi Vị Thiên Chúa, không giấu nhau điều gì: đó phải là “mô hình” cho các mối tương quan nhân loại của ta, cũng như mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa. Những lời trên có gợi lên một tiếng mời gọi nào cho tôi, cho những nhóm làm việc hay hoạt động tông đồ của tôi không?
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Chúa mặc khải cho những người bé mọn.
HOÀN CẢNH:
Sau khi bảy mươi hai môn đệ đi thực tập truyền giáo trở về với nhiều thành công(lc 10,17-20), Đức Giêsu tỏ bày niềm vui phấn khởi. Trong lúc vui mừng, Người nói mấy lời tạ ơn Chúa Cha.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng này ghi lại lời Đức Giê-su vui mừng loan báo rõ ràng tương quan giữa Người với Chúa Cha, và cho thấy ân phúc lớn lao dành cho những ai mạc khải về tương quan đó.
TÌM HIỂU:
21”Ngay giờ ấy được Thánh Thần tác động…”:
-Sau khi đã nhấn mạnh về tác động Chúa Thánh Thần ở 1,35 và 4,1.14.18, Luca cho thấy niềm vui và lời cầu nguyện của Đức Giê-su cũng do tác động ấy.
- Kiểu nói “Giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết” và “nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” gợi lại câu chuyện trong Đn 2,18-23: Các nhà khôn ngoan thông thái không biết giải thích cơn mộng của vua Na-bu-đô-nô-cô-xô, nhưng cậu thanh niên Đa-ni-en được mặc khải bí nhiệm của giấc mộng, vì cậu đã cầu nguyện với Thiên Chúa, và cũng cảm tạ ngợi khen Người đã cho mình khôn ngoan và sức mạnh.
Trong Luca ở đây: Người bé mọn là những ai đã nghe lời loan báo của các môn đệ và tin vào Đức Giê-su. Đó là những người khiêm nhường. Còn những kẻ khôn ngoan là những người lãnh đạo Do Thái đã không tin vào Đức Giê-su,vì họ kiêu căng tự mãn.
Vì thế trong lúc vui mừng, Đức Giê-su đã nhợi khen và ơn Chúa Cha vì đã cho Người dốt nát, bé mọn nghe lời rao giảng của các môn đệ mà nhận biết Tin Mừng của Chúa Giê-su.
2 "Cha tôi đã trao phó mọi sự cho tôi…”:
Đức Giê-su cũng ngợi khen và tạ ơn Chúa Cha vì đã cho các môn đệ biết Người đồng bản tính với Chúa Cha, đã trao phó mọi sự trong tay Người đã cho Người thấu suốt bản tính Chúa Cha và được thông quyền cho kẻ khác cùng biết. Vì thế Đức Giê-su tự mạc khải Người là Thiên Chúa.
Đức Giê-su là Thầy dạy và là đấng ban phát cho người ta mọi ơn lành và Người mặc khải cho loài người biết Chúa Cha là ai.
23-24 ”Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ…”
Ở đây nói đến những ai đón nhận mặc khải là người diễm phúc.
Lời khen chúc của Đức Giê-su cho thấy rõ việc tin nhận Người là một ân huệ Chúa ban, và những người tin đó được hưởng thành quả trọn vẹn của các lời hứa trong Cựu Ước. Đức Giêsu là thành quả của các lời hứa trong Cựu Ước, nên các môn đệ và những ai tin vào Người , là những người có diễm phúc hơn các ngôn sứ và vua chúa trong thời Cựu Ước.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có những nhận thức và áp dụng sau đây:
1. Chúa Giê-su được Thánh Thần tác động để cầu nguyện với Chúa Cha.
Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần tác động, để chúng ta xứng đáng và biết cách gặp gỡ, thưa chuyện với Chúa Cha. Ngược lại, khi đón nhận ơn Chúa , chúng ta phải biết cảm tạ và yêu mến Chúa Thánh Thần, cùng biết sử dụng ơn đó để tôn vinh Thiên Chúa, đồng thời mưu ích cho phần rỗi của mình và tha nhân.
2. Chúa Giê-su cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa Cha. Chúng ta cũng phải biết nhạy cảm biết nhận ra ơn Chúa trong cuộc sống để cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa.
3. Chúa Giê-su không cho những người khôn ngoan thông thái biết, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Rút kinh nghiệm muốn biết Chúa và hiểu được những mặc khải của , Chúa, chúng ta phải đơn sơ, khiêm nhường và khao khát. Tránh thái độ kiêu căng tự mãn, khép kín và lãnh đạm với giáo huấn của Chúa.
4. Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Cha, và Hội Thánh tiếp tục nói về Thiên Chúa cho chúng ta. Vì thế, muốn hiểu về Thiên Chúa và đào sâu các chân lý mặc khải để phát triển đức tin, chúng ta phải biết học hỏi và suy niệm lời Chúa,đồng thời phải chạy đến Hội Thánh để được hướng dẫn về Thiên Chúa, đối tượng của niềm tin chúng ta.
5. Chúng ta quả là những người có phúc vì chúng ta biết Chúa Giê-su qua lời Người nói và qua sự hướng dẫn của Hội Thánh, đồng thời chúng ta cũng biết Chúa Cha Nhờ Chúa Giê-su nói cho chúng ta, Chúng ta phải chăm chú nghe lời Chúa để nhận biết Thiên Chúa là Cha và là Thiên Chúa chúng ta phụng thờ.
6. Mùa vọng giúp chúng ta ý thức việc đón nhận Chúa đến bằng ơn thánh trong hiện tại và bằng cuộc phán xét trong giờ chết. Vì thế để đón nhận Chúa đến trong giờ chết, chết lành thánh, chúng ta phải thao thức đón nhận ơn Chúa trong hiện tại bằng đời sống đơn sơ khó nghèo, khiêm nhường trước mặt Chúa để xứng đáng được Chúa ban ơn, chúc lành, soi sáng và hướng dẫn chúng ta trên đường hoàn thiện và tiến vào Nước Trời.